Những văn bản nổi bật trong số phát hành này:
1. Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
2. Thông tư số 24/2022/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 07 tháng 4 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông Tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
3. Chỉ thị 01/CT-BTC về tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; và
4. Thông Tư 25/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
BẤT ĐỘNG SẢN
Các quy định mới đáng chú ý về xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP
Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng (“Nghị Định 16”) được ban hành để thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP (“Nghị Định 139”). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 28/01/2022 với các thay đổi đáng chú ý sau:
1. Tăng mạnh mức phạt đối với vi phạm về hoạt động kinh doanh bất động sản
Trước đây, Nghị Định 139 quy định mức phạt tối đa cho dịch vụ kinh doanh bất động sản chỉ 300 triệu đồng. Tuy nhiên, Nghị Định 16 đã tăng mạnh mức phạt tối đa lên tới 01 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 800 triệu – 1 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản trong những trường hợp sau.
Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đúng thủ tục quy định;
Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định;
Huy động vốn không đúng quy định;
Bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản từ 03 - 06 tháng đối với các dự án có vi phạm trên.
Phạt tiền từ 100 - 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã mà không thành lập theo quy định; hoặc Không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định.
2. Xử phạt nặng những hành vi vi phạm về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản
Hiện tại, theo quy định tại Điều 62 Luật Kinh Doanh Bất Động Sản về điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, tổ chức, cá nhân khi làm môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nếu cá nhân muốn kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế theo quy định.
Theo Nghị Định 16, Chính phủ quy định mức phạt từ 40-60 triệu đồng cho các hành vi sau đây.
Kinh doanh môi giới bất động sản độc lập không có chứng chỉ hoặc chứng chỉ hành nghề hết hạn.
Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ;
Cho mượn, cho thuê hoặc mượn, thuê chứng chỉ hành nghề để thực hiện môi giới bất động sản;
Đáng chú ý, mức phạt cho những hành vi vi phạm nói trên trong Nghị Định 139 chỉ từ 10 - 15 triệu đồng.
Nghị Định 16 cũng bổ sung thêm khoản phạt từ 40 - 60 triệu đồng cho cá nhân trong trường hợp cá nhân vừa là nhà môi giới vừa là một bên trong hợp đồng mua bán bất động sản.
Ngoài ra, phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng trong trường hợp người môi giới bất động sản không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới. Có thể thấy, mức phạt này đã tăng rất nhiều so với mức phạt cũ chỉ từ 160 – 200 triệu đồng.
CHỨNG KHOÁN
Quy định mới về việc lập dự phòng cho các khoản đầu tư chứng khoán và giá chứng khoán thực tế trên thị trường đối với các loại chứng khoán thuộc đối tượng lập dự phòng.
Vào ngày 07 tháng 04 năm 2022, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 24/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp (“Thông Tư 24”). Thông Tư 24 này sẽ có hiệu lực kể từ 25 tháng 5 năm 2022 với các thay đổi đáng chú ý như sau:
1. Thay đổi loại chứng khoán thuộc đối tượng phải lập dự phòng
Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.
Đối tượng lập dự phòng nêu trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.
2. Giá thực tế trên thị trường của chứng khoán thuộc đối tượng phải lập dự phòng
Mặc dù công thức tính mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán không thay đổi, Thông Tư 24 quy định phương pháp tính mới đối với giá thực tế trên thị trường của chứng khoán phải lập dự phòng. Cụ thể,
(i) Đối với chứng khoán đã niêm yết (bao gồm cả cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo đã niêm yết): giá chứng khoán thực tế trên thị trường được tính theo giá đóng cửa tại ngày gần nhất có giao dịch tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
Doanh nghiệp xác định mức trích dự phòng cho từng khoản đầu tư chứng khoán bằng mức trích dự phòng cho từng khoản đầu tư căn cứ báo cáo tài chính riêng của tổ chức kinh tế nhận vốn góp lập cùng thời điểm báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp góp vốn, đối với các trường hợp sau:
Chứng khoán đã niêm yết trên thị trường mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước ngày trích lập dự phòng; hoặc
Chứng khoán bị hủy niêm yết hoặc bị đình chỉ giao dịch hoặc bị ngưng giao dịch tại ngày trích lập dự phòng.
(ii) Đối với cổ phiếu đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng (Upcom) thì giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định là giá tham chiếu bình quân trong 30 ngày giao dịch liền kề gần nhất trước thời điểm lập báo cáo tài chính năm do Sở Giao dịch chứng khoán công bố. Trường hợp cổ phiếu của công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường Upcom mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm lập báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp xác định mức trích dự phòng cho từng khoán đầu tư chứng khoán.
(iii) Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết, đăng ký giao dịch, giá trái phiếu trên thị trường là giá giao dịch gần nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính. Trường hợp không có giao dịch trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp không thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này.
3. Số dư dự phòng các khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương đã trích lập trước 25 tháng 5 năm 2022
Số dư dự phòng các khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương mà doanh nghiệp đã trích lập đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành (nếu có) được hoàn nhập, ghi giảm chi phí tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2022
Yêu cầu tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ theo Chỉ thị 01/CT-BTC
Ngày 25/04/2022, Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (“Chỉ Thị 01”) do trong thời gian gần đây xuất hiện một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.
Nhìn chung, Chỉ Thị 01 đã chỉ ra các sai phạm trên thị trường và đề xuất các giải pháp cho việc thanh tra, sửa đổi các quy định liên quan và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và xử phạt nghiêm minh. Những điểm mới đáng chú ý của Chỉ thị 01 như sau:
1. Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
Theo Chỉ thị 01, để phòng tránh các sai phạm và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, Vụ Tài chính Ngân hàng được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (“Nghị Định 153”) và xây dựng Thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo và trình Bộ lấy ý kiến thẩm định và ban hành trong tháng 7 năm 2022
Tương tự, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) được giao nhiệm vụ rà soát quy định tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với thực tế. Ngoài ra, UBCKNN khẩn trương trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị Định 153 để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các tổ chức liên quan trên thị trường.
2. Tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Nhìn chung, Chỉ Thị 01 yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan và người tham gia vào giao dịch chứng khoán nâng cao kĩ năng quản lý, thanh tra và kiểm tra về vấn đề trái phiếu doanh nghiêp riêng lẻ và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ví dụ như:
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tại thời điểm 31/3/2022) để đề xuất danh sách các doanh nghiệp cần kiểm tra, thanh tra gửi Bộ Tài chính và UBCKNN.
UBCKNN yêu cầu các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, tổ chức đăng ký và lưu ký trái phiếu rà soát và đảm bảo thực hiện hoạt động về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đúng quy định pháp luật.
Các mức phí, lệ phí mới theo Thông tư 25/2022/TT-BTC
Ngày 28 tháng 4 năm 2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 25/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, cùng với phí quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán, lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“Thông Tư 25”) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2022 với một số điểm đáng chú ý như trình bày dưới đây:
1. Thay đổi lệ phí cấp
Đối với lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, trong khi hầu hết các loại phí cấp lần đầu cũng như cấp lại, điều chỉnh, cấp đổi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực này vẫn giữ nguyên, một điểm đáng chú ý là lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ giảm từ 10 triệu đồng xuống 05 triệu đồng/giấy chứng nhận.
Một số khoản phí và lệ phí được quy định như sau:
Số
|
Tên phí, lệ phí
|
Mức thu
|
I
|
Lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán
|
|
*
|
Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán
|
|
|
Cấp mới:
- Môi giới chứng khoán
- Tự doanh chứng khoán
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán
- Tư vấn đầu tư chứng khoán
|
20 triệu đồng
60 triệu đồng
100 triệu đồng
20 triệu đồng
|
|
Cấp lại, điều chỉnh, cấp đổi giấy phép sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập
|
2 triệu đồng
|
*
|
Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán
|
6 triệu đồng
|
*
|
Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán
|
30 triệu đồng
|
2. Thay đổi về phí quản lý và giám sát
Đối với phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch, thay vì 10 triệu đồng/năm/công ty, Thông tư 25 đã giảm xuống còn 830.000 đồng.
Phí quản lý giám sát hoạt động chứng khoán của các Sở giao dịch chứng khoán (HNX và HOSE) cũng giảm nhẹ, còn 0,0081% giá trị giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc 0,00315% giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (mức phí tương ứng trước đây là 0,009% và 0,0035%).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nộp 30% tổng số tiền phí thu được (quản lý, giám sát) và 100% tổng số tiền lệ phí thu được (cấp giấy phép, giấy chứng nhận) vào ngân sách nhà nước, số còn lại để sử dụng theo quy định có liên quan.
__________________________________________________________
Bản tin pháp lý này là văn bản hướng dẫn của Công ty Luật TNHH MTV LEADCO với mục đích cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Các thông tin và trích dẫn trong văn bản này là các thông tin chung mà không phải là bất cứ tư vấn pháp lý nào của chúng tôi. Trong bất kỳ trường hợp nào Leadco không chịu trách nhiệm cho bất cứ chi phí liên quan trực tiếp hay gián tiếp, trong các trường hợp đặc biệt, các trường hợp ngẫu nhiên, đối với các thiệt hại phát sinh hay liên quan đến việc sử dụng văn bản này.
Để biết thêm thông tin về các vấn đề đã đề cập trong bản tin pháp lý này và các vấn đề pháp lý liên quan khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi.